AI đang cách mạng hóa giáo dục 4.0 như thế nào?

AI hứa hẹn sẽ hỗ trợ giáo dục trong các vấn đề như hỗ trợ giáo viên việc hành chính, tinh chỉnh các đánh giá và phân tích, cá nhân hóa nội dung và trải nghiệm học tập.

Năm 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xác định tám chuyển đổi then chốt cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Khi AI nổi lên như công nghệ định hình của thời đại này, chúng ta có thể đẩy nhanh việc áp dụng giáo dục 4.0 bằng cách sử dụng AI.

AI hứa hẹn tiềm năng giúp cải thiện kết quả giáo dục cho người học trên toàn thế giới.

Báo cáo mới đây từ WEF cho thấy những tác động từ AI hứa hẹn sẽ hỗ trợ giáo dục trong bốn vấn đề:

Hỗ trợ giáo viên. Việc tích hợp AI vào giáo dục có thể hỗ trợ các công việc hành chính, giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để tương tác với học sinh. Hỗ trợ này phần nào giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên toàn cầu – đang là thách thức lớn đối với việc cải thiện kết quả giáo dục.

Bằng cách tự động hóa các công việc đơn giản và tập trung vào việc giảng dạy lấy con người làm trung tâm, môi trường giáo dục có thể giúp thầy cô phát triển, tạo ra trải nghiệm học tập phong phú. Trong giảng dạy, AI có thể là công cụ tăng cường và hỗ trợ mà không thay thế vai trò của giáo viên.

Tinh chỉnh các đánh giá và phân tích. Việc tích hợp AI vào giáo dục hứa hẹn sẽ cách mạng hóa các đánh giá và phân tích trong lĩnh vực này. Tận dụng khả năng phân tích dữ liệu của AI, các nhà giáo dục có thể đẩy nhanh quá trình đánh giá, cung cấp phản hồi kịp thời cho người học và tạo điều kiện cho sự tham gia tập trung hơn. Thông qua các phân tích, thầy cô có thể xác định điểm mạnh và điểm yếu trong thành tích của học sinh, cho phép đưa ra các chiến lược giảng dạy có mục tiêu. Các xu hướng giáo dục cũng sẽ được phân tích hiệu quả với sự hỗ trợ của AI.

Hỗ trợ AI và kỹ năng số. Nhiều hệ thống giáo dục đang phải vật lộn để giải quyết khoảng cách kỹ năng số ngày càng gia tăng, trong khi những kỹ năng này ngày càng quan trọng. Thu hẹp khoảng cách này sẽ góp phần đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai. AI mở ra con đường để học sinh có thể cải thiện khả năng hiểu biết về kỹ thuật số, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo, chuẩn bị cho người học đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai.

Cá nhân hóa nội dung và trải nghiệm học tập. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc kèm cặp cá nhân luôn thúc đẩy đáng kể kết quả học tập, với học sinh được kèm cặp luôn vượt trội hơn 98% so với bạn bè cùng trang lứa trong môi trường lớp học truyền thống. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ kèm cặp cá nhân cho mọi học sinh là một thách thức kinh tế lớn. AI cung cấp giải pháp cho rào cản này. Khai thác AI có thể điều chỉnh trải nghiệm học tập cho từng cá nhân, nâng cao hiệu suất học tập trong khi vẫn đáp ứng liền mạch các nhu cầu học tập đa dạng.

Để đảm bảo các công nghệ mới phát huy hết tiềm năng trong giáo dục, WEF khuyến nghị việc triển khai cần có chiến lược và đảm bảo an toàn, có tính đến các yếu tố sau:

Thiết kế công bằng. Dù hỗ trợ hiệu quả, AI cũng có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách giáo dục hiện tại. Vì vậy, các sáng kiến giáo dục hỗ trợ AI phải ưu tiên tính công bằng trong thiết kế, giải quyết sự chênh lệch giới tính, trường công và trường tư, cũng như đáp ứng trẻ em có nhiều khả năng và phong cách học tập khác nhau, đồng thời xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và tiếp cận.

Tăng cường phương pháp sư phạm do con người lãnh đạo. AI sẽ không bao giờ thay thế được phương pháp sư phạm chất lượng cao do con người lãnh đạo. Vì vậy, các công cụ AI cần tập trung vào nhiệm vụ giúp tự động hóa các công việc hành chính, giúp giáo viên tập trung vào nghề của họ, hoặc cung cấp đào tạo có liên quan về các kỹ năng AI cho giáo viên.

Đồng thiết kế và triển khai với các bên liên quan hỗ trợ. Các giải pháp giáo dục có tích hợp AI thành công phải được thiết kế với sự tham gia của nhiều bên gồm học sinh, giáo viên và chuyên gia. Cách tiếp cận này đảm bảo các giải pháp đáp ứng được nhu cầu thực tế của lớp học, phù hợp với chương trình giảng dạy, theo kịp xu hướng của ngành và triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu của học sinh.

Không chỉ sử dụng AI như công cụ hỗ trợ giáo dục, các kỹ năng phát triển AI và hiểu được các rủi ro tiềm ẩn của AI cũng cần được ưu tiên đào tạo. Điều này giúp trang bị cho đội ngũ nhân sự tương lai khả năng thiết kế và phát triển các công cụ AI có đạo đức, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội.

Đảm bảo khả năng kinh tế và khả năng tiếp cận cơ hội học tập AI. Đây là điều cần thiết để ngăn chặn việc đào sâu khoảng cách số hiện có, tránh tạo ra sự chênh lệch mới trong giáo dục.

Bằng cách giải quyết những khía cạnh quan trọng này, chúng ta có thể khai thác toàn bộ tiềm năng chuyển đổi của AI để cải thiện kết quả giáo dục cho người học trên toàn thế giới.

Theo vnexpress.net